Ngày 23/10/2020, Bộ Y tế đã có hội nghị trực tuyến với 63 Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tại 63 tỉnh/ thành phố trong cả nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết: tính đến sáng ngày 23/10/2020, Việt Nam đã ghi nhận 1.148 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó 1.049 trường hợp đã được điều trị khỏi, 64 trường hợp đang được điều trị tại các cơ sở y tế và 35 trường hợp đã tử vong. Bên cạnh đó, cả nước cũng đã ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh bạch hầu và một số bệnh khác như: sởi, ho gà…
Tại chỉ thị số 23/CT-BYT, ngày 22/10/2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020 đã chỉ rõ: Trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh COVID-19 chưa có vắc xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại...) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như COVID-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng....
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế các tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, thành phố; đồng thời đề xuất để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.
Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh COVID-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng.
Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố; duy trì hoạt động diệt bọ gậy (hàng tuần tại khu vực có nguy cơ cao, hàng tháng tại khu vực khác), phun hóa chất chủ động khu vực nguy cơ cao.
Tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng, chống COVID-19 (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình, cộng đồng với các hình thức và ngôn ngữ phù hợp với từng địa phương…
Các điểm cầu trực tuyến tại 63 Sở Y tế
Tại Hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn giám sát phòng, chống COVID-19, thành lập và hoạt động Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung dân sự, công tác lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19, truyền thông trong phòng chống COVID-19 và dịch bệnh mùa đông năm 2020, mùa xuân năm 2021. Các đại biểu tại 63 điểm cầu đã thảo luận về các nội dung phòng, chống dịch mùa đông xuân, dịch COVID-19 trong mùa đông, các nguy cơ dịch bệnh tại các tỉnh đang chịu thiên tại, công tác vệ sinh môi trường sau bão, lũ cũng như công tác khám chữa bệnh khi có dịch bệnh trong cộng đồng…/.